1. Mô tả
- Dây leo cao 6–10m, nhựa mủ màu trắng.
- Lá có phiến bầu dục, trứng ngược, dài 6–7 cm, rộng 2,5–5 cm, đầu nhọn, có mũi, lân phụ 4-6 cặp, rõ ở mặt dưới, nhăn lúc khô; cuống dài 5–8 mm.
- Hoa nhỏ, màu vàng, xếp thành xim dạng tán ở nách lá, cao 8mm, rộng 12–15mm; đài có lông mịn và rìa lông; tràng không lông ở mặt ngoài, tràng phụ là 5 răng.
- Quả đại dài 5,5cm, rộng ở nửa dưới; hạt dẹp, lông mào dài 3 cm. Khi chín quả của cây này rụng xuống và tách đôi giống 2 chiếc thìa, nên dân gian gọi là cây Dây thìa canh hay cây muôi.
- Mùa hoa quả: tháng 7-8.
2. Nơi sống và thu hái
Dây thìa canh được tìm thấy đầu tiên tại Ấn Độ. Dược điển Ấn Độ có ghi lại Dây thìa canh (Tiếng Ấn Độ gọi là cây Gumar) được sử dụng tại Ấn Độ từ 2000 năm trước để trị bệnh tiểu đường. Loại cây này phát triển nhiều nhất ở thung lũng Paltacot miền Trung Nam Ấn Độ, ngoài ra còn phân bố ở Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia.
Tại Việt Nam, loại cây này mới được tìm thấy vào năm 2006. Người đầu tiên phát hiện ra loài cây này là Ts. Trần Văn Ơn – trưởng bộ môn Thực vật – Đại học Dược Hà Nội. Loại cây này ban đầu được tìm thấy tại một số nơi ở miền Bắc Việt Nam từ Hải Hưng, Hải Phòng, Hà Bắc, Ninh Bình tới Thanh Hoá.
3. Thành phần hóa học
- Thành phần hóa học có hoạt tính sinh học chính của dây thìa canh là hoạt chất GS4 gồm tổ hợp nhiều acid gymnemic, một hoạt chất thuộc nhóm saponin triterpenoid.
- Ngoài ra, cây còn chứa các thành phần khác như flavonoid, anthraquinone, hentri-acontane, pentatriacontane, α và β- chlorophylls, phytin, resins, d-quercitol, acid tartaric, acid formic, acid butyric, lupeol,…
- Dịch chiết cây cũng cho thấy có thành phần alcaloid.
4. Tác dụng dược lý
Acid Gymnemic có tác dụng kích thích sản sinh tế bào Beta của tuyến tụy, nhờ đó tăng sản sinh Insulin, tăng hoạt lực của Insulin, giúp cơ thể tái thiết lập được khả năng cân bằng đường huyết tự nhiên.
- Acid Gymnemic còn ức chế hấp thu đường ở ruột do có cấu trúc phân tử gần giống với đường Glucose, khi vào đến ruột sẽ cạnh tranh với đường Glucose, lấp đầy thụ thể ruột và ngăn không cho hấp thu đường từ ruột vào máu.
- Acid Gymnemic còn ức chế gan tái tạo Glucose vào máu, đồng thời kích thích các enzyme chịu trách nhiệm tiêu thụ, sử dụng đường tại các mô cơ. Nhờ đó hoạt chất này đem lại hiệu quả giảm đường huyết.
Ngoài ra trong Dây thìa canh còn chứa peptide Gumarin. Khi ăn và nhai lá Dây thìa canh tươi thì Peptide này lấp đầy thụ thể lưỡi làm lưỡi không hấp thu được đường Glucose. Gumarin tác động vào vùng dưới đồi làm mất cảm giác đối với vị ngọt và vị đắng, vì vậy gây mất cảm giác ngọt. Tuy nhiên tác dụng này mất đi khi Dây thìa canh được nấu chín hoặc phơi khô.
5. Công dụng
5.1. Giúp hạ đường huyết
Acid Gymnemic trong Dây thìa canh có vai trò kích thích tuyến tụy tăng tiết insuline để kiểm soát, cân bằng lượng đường trong máu. Kích thích sản sinh tế bào β của tuyến tụy, tăng hoạt lực của insulin, giúp cơ thể tái thiết lập được khả năng cân bằng đường huyết tự nhiên. Đồng thời làm giảm hoạt tính của enzyme tân tạo đường và đảo ngược quá trình biến đổi thể trạng ở gan trong suốt giai đoạn tăng đường huyết. Giảm sinh đường mới tại gan, tăng men sử dụng đường ở các mô, cơ. Nhờ đó giảm lượng đường vào máu, kiểm soát đường huyết ở mức an toàn.
5.2. Ổn định đường huyết, giảm chỉ số HbA1c
Dây thìa canh được chứng minh có khả năng ổn định và duy trì đường huyết ở mức an toàn trong thời gian dài. Chỉ sau 3 – 6 tháng sử dụng Dây thìa canh trong điều trị tiểu đường, chỉ số đường huyết trung bình của người bệnh HbA1c đo được đều giảm rõ rệt và duy trì ở mức an toàn.
5.3. Giúp hạ lipid trong máu (giảm mỡ máu)
Tinh chất gymnemic của Dây thìa canh có tác động lên chuyển hóa lipid, có khả năng tăng bài tiết cholesterol, LDL-c và triglycerid ra khỏi cơ thể qua đường phân. Chính vì vậy sẽ đẩy lùi nguy cơ mắc các biến chứng tiểu đường như bệnh tim mạch, huyết áp cao, bệnh tai biến mạch máu não…
5.4. Dây thìa canh làm mất đi cảm giác ngọt
Trong dây thìa canh có chứa hoạt chất Gurmarin có khả năng tác động lên tế bào vị giác của lưỡi. Điều này làm người bệnh tạm thời bị mất cảm giác với vị ngọt và đắng nhưng lại không hề ảnh hưởng đến vị giác chua, chát hoặc cay khác. Tác dụng này khiến cho các vị ngọt khác nhau của đường, các acid amin và các chất ngọt từ hoá học đều biến mất.